Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng năm 1601 |
[Nhà Nguyễn] Thời kỳ các chúa Nguyễn và vua Nguyễn trải dài gần bốn thế kỷ (từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 20) được nhiều nhà sử học trong và ngoài nước nghiên cứu khá kỹ. Nhân kỷ niệm 450 năm sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, vừa qua Hội Khoa học lịch sử VN phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo để đánh giá vai trò của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn trong tiến trình lịch sử VN.
Lược ghi từ các tham luận và tài liệu nghiên cứu, Tuổi Trẻ cố gắng phác họa lại một tiến trình lịch sử thăng trầm của dòng họ Nguyễn trong buổi đầu mở cõi.
Họ Nguyễn Phúc đi vào lịch sử VN cách nay tròn 450 năm với sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558). Nhưng câu chuyện lại bắt đầu từ hơn 30 năm trước đó, khi Mạc Đăng Dung chấm dứt nhà Hậu Lê, lập ra nhà Mạc (1527).
Hữu vệ điện tiền tướng quân Nguyễn Kim (cha của Nguyễn Hoàng) trung thành với triều đại cũ, bỏ sang Lào, tôn con của Lê Chiêu Tông lên làm vua, tức Trang Tông (1533). Chẳng bao lâu, đất nước Đại Việt bị chia làm đôi: nhà Mạc (sử gọi là Bắc triều) chỉ còn làm chủ phần đất nay là Bắc bộ; nhà Lê trung hưng (tức Nam triều) quản lý lãnh thổ từ Thanh Hóa trở vào Bình Định ngày nay.
Vào vùng đất mới
Công cuộc trung hưng đang dở dang thì Nguyễn Kim chết (1545). Mọi binh quyền rơi vào tay con rể là hữu tướng Trịnh Kiểm. Kiểm sợ tả tướng Nguyễn Uông (anh của Nguyễn Hoàng) chia quyền nên cho người hãm hại em vợ. Nguyễn Hoàng lo lắng, nhờ chị là Ngọc Bảo (vợ của Kiểm) xin chồng cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Kiểm đang muốn đẩy Nguyễn Hoàng đi xa cho khuất mắt nên đồng ý (1558).
Năm 1570, trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Bá Quýnh được gọi ra giữ đất Nghệ An, Nguyễn Hoàng được giao thêm xứ Quảng Nam. Từ đó, lãnh thổ dưới quyền tổng trấn Thuận - Quảng trải dài từ bờ nam sông Gianh đến đèo Cù Mông (tương ứng với các tỉnh, TP Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Đây là vùng đất mới, dân cư thưa thớt, tài nguyên chưa khai thác nên trong buổi đầu Nguyễn Hoàng gặp biết bao khó khăn, thiếu thốn.
Ban đầu Nguyễn Hoàng vào Nam chỉ với ý định bảo toàn mạng sống. Nhưng khi thấy Trịnh Kiểm ngày càng lấn át quyền vua khiến vua Lê chỉ còn là hư vị, Nguyễn Hoàng quyết chí tách khỏi Đàng Ngoài, hùng cứ một phương. Trước mắt, Đàng Trong còn yếu, còn nghèo nên bề ngoài Nguyễn Hoàng phải giả vờ thần phục họ Trịnh. Hằng năm, ông phải nộp đủ các loại thuế (từ năm 1573, thuế thân được quy thành 400 cân bạc và 500 tấm lụa).
Việc đầu tiên của Nguyễn Hoàng là củng cố phòng thủ. Ông cho xây các đồn ở cửa biển để bảo vệ miền duyên hải. Năm 1571, quân Mạc theo đường biển đánh vào Thuận Hóa nhưng bị đẩy lui. Từ đó Mạc không dám tấn công Đàng Trong nữa. Nguyễn Hoàng rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Mấy năm được mùa luôn, trăm họ giàu thịnh”. Giá gạo ở Đàng Trong năm 1608 chỉ 3 đồng tiền một đấu, rất rẻ so với giá gạo ở Đàng Ngoài”.
Nhưng nông nghiệp chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho dân chúng, chính thương nghiệp mới làm đất nước giàu lên một cách nhanh chóng. Trong lúc triều đình nhiều quốc gia châu Á theo đuổi chính sách ức thương (kìm hãm thương nghiệp) thì Nguyễn Hoàng lại khuyến khích việc mua bán, nhất là mua bán với nước ngoài.
Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng năm 1601, khi vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam - Ảnh: Thái Lộc |
“Dân nhờ được yên, công ấy rất lớn”
Năm 1592, quân Lê - Trịnh chiếm lại Thăng Long. Vua Lê rời Thanh Hóa (Tây Đô) ra Thăng Long (Đông Đô). Nguyễn Hoàng ra chúc mừng vua. Trịnh Tùng (con của Trịnh Kiểm, lúc này đã chết) muốn “điệu hổ ly sơn”, tâu với vua Lê phong Nguyễn Hoàng làm thái úy hữu tướng, trên danh nghĩa vẫn giữ chức tổng trấn Thuận - Quảng, nhưng phải lưu lại kinh đô vô thời hạn để giúp triều đình đánh dẹp dư đảng nhà Mạc.
Nguyễn Hoàng phải ẩn nhẫn sống cảnh cá chậu chim lồng trong tám năm trời. Năm 1600, nhân có vụ khởi binh chống Trịnh Tùng nổ ra ở Nam Định, Nguyễn Hoàng xin đem quân bản bộ theo đường biển đi đánh, giả vờ thua rồi về thẳng Thuận Hóa. Từ đó, Nguyễn Hoàng không đặt chân lên Thăng Long nữa.
Sau hơn nửa thế kỷ vào Nam, Nguyễn Hoàng đã biến Thuận - Quảng thành một vùng đất phồn thịnh. Chính vua Lê Thế Tông cũng phải khen Nguyễn Hoàng “trấn thủ hai xứ, dân nhờ được yên, công ấy rất lớn”, phong cho ông làm thái úy, tước Đoan quận công.
Lê Quý Đôn làm bồi tụng (chỉ sau tể tướng một bậc) trong phủ chúa Trịnh, đương nhiên không có cảm tình với Đàng Trong, nhưng đã viết về Nguyễn Hoàng trong Phủ biên tạp lục với lời lẽ ca ngợi: “Đoan quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối... Chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.
Năm 1613 Nguyễn Hoàng 88 tuổi, dặn dò con là Nguyễn Phúc Nguyên trước khi mất: “Đất Thuận - Quảng phía bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng, sắt; biển có cá, muối. Thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ dựng xây cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”.
Vâng lời di huấn của cha, Nguyễn Phúc Nguyên “sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục” (Đại Nam thực lục tiền biên). Khi thấy đủ mạnh, Nguyễn Phúc Nguyên công khai không thần phục họ Trịnh nữa: không nộp thuế, không nhận sắc, không ra Thăng Long mà cũng không gửi con thay mình ra Thăng Long như họ Trịnh đòi. Trịnh đem quân vào đánh nhưng cả sáu lần đều không thành công nên phải rút về, chấp nhận sông Gianh là ranh giới của hai miền. Đến đây, giấc mộng xây dựng “cơ nghiệp muôn đời” của Nguyễn Hoàng được thực hiện.
Theo Tuoitre - TS. Phan Văn Hoàng
------------------------------------------
Tương truyền Nguyễn Hoàng cho sứ giả đến hỏi ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà lý học không trả lời thẳng, nhìn đàn kiến trên hòn non bộ, nói bâng quơ: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dãy núi ngang trên hòn non bộ có thể làm nơi dung thân muôn đời cho đàn kiến). Nghe sứ giả thuật lại, Nguyễn Hoàng hiểu là Trạng Trình khuyên ông nên đi vào vùng đất bên kia đèo Ngang (Hoành Sơn).
Mặc dù chuyện trên có chép trong Đại Nam thực lục tiền biên, nhiều nhà nghiên cứu không tin là có thật mà do người đời sau bịa đặt, mượn “lời sấm” của Trạng Trình để khẳng định cơ đồ dòng họ Nguyễn sẽ tồn tại dài lâu.
------------------------------------------
Cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và quốc vương Chiêm Thành đã đưa hai châu Ô và Rí vào bản đồ Đại Việt. Hơn ba thế kỷ sau, một công nữ họ Nguyễn cũng chấp nhận “nước non ngàn dặm ra đi” làm dâu xứ người.
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !