Phong thủy online:
Home » , , , , » Nhà Nguyễn - lịch sử thăng trầm của một dòng họ - Kỳ 2: Chuyện về một công nữ họ Nguyễn

Nhà Nguyễn - lịch sử thăng trầm của một dòng họ - Kỳ 2: Chuyện về một công nữ họ Nguyễn

[Nhà Nguyễn] Cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và quốc vương Chiêm Thành Jaya Sinhavarman III (sử Việt gọi là Chế Mân) đã đưa hai châu Ô và Rí vào bản đồ Đại Việt. Bà công chúa họ Trần được đời sau nhớ ơn, gần đây ở Huế có lập một ngôi đền để tôn vinh bà.

Hơn ba thế kỷ sau, một công nữ họ Nguyễn cũng chấp nhận “nước non ngàn dặm ra đi” làm dâu xứ người, tạo điều kiện cho người Việt vào sinh sống trên lưu vực sông Đồng Nai, dẫn đến sự thành lập phủ Gia Định năm 1698 - cách nay tròn 310 năm. Bất công thay tên của bà không được biết đến, nói chi việc xây dựng một tượng đài để ghi công.

Cuộc hôn nhân của công nữ

Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả một con gái của mình cho Araki Sutaru - một thương nhân Nhật Bản. Năm sau, ông lại gả con gái khác cho quốc vương Chân Lạp Chey Chêtthâ II. Lúc đó, Chân Lạp đang là nạn nhân của nước láng giềng phía tây.
Cứ vài chục năm một lần, quân Xiêm lại tràn sang đánh chiếm Chân Lạp, đốt phá, bắt người, cướp của. Vì vậy, năm 1620 vua Chey Chêtthâ II quyết định cầu hôn con gái vị chúa Đàng Trong, với ý định tìm một chỗ dựa về chính trị và quân sự nhằm đối phó với các cuộc xâm lược của quân Xiêm.

Các đại biểu dự hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN”
 (tổ chức tại Thanh Hóa tháng 10-2008) và đông đảo bà con xã Hà Long, huyện Hà Trung,
Thanh Hóa thắp hương tại lăng Trường Nguyên, tương truyền là nơi an táng Nguyễn Kim,
thân phụ chúa Nguyễn Hoàng - Ảnh: Việt Dũng

Theo Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp, cô công nữ Đàng Trong có sắc đẹp tuyệt trần. Mặt khác, nhờ được giáo dục từ nhỏ theo truyền thống đạo đức Phật giáo (Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên đều sùng mộ đạo Phật) nên cô hội nhập nhanh chóng vào môi trường văn hóa xứ chùa tháp, nơi tuyệt đại đa số dân chúng là phật tử. Do đó, tuy Chey Chêtthâ II có nhiều vợ, cô gái Thuận Hóa thùy mị nết na vẫn được vua yêu quý nhất và được phong làm đệ nhất hoàng hậu.

Để đỡ nhớ quê hương, cô xin vua cho phép người Việt được tự do đến sinh sống trên lãnh thổ Chân Lạp. Họ buôn bán hay làm thợ thủ công ở vùng kinh đô, đông đảo hơn là những người đến khai phá vùng đông nam Chân Lạp.

Lãnh thổ Chân Lạp tương đối rộng nhưng dân số ít, nên người nước này sống tập trung ở vùng đất màu mỡ xung quanh biển Hồ và dọc theo sông Mekong. Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, cho đến lúc đó “đồng bằng sông Cửu Long chỉ là đầm lầy hôi thối, những bãi bùn rộng mênh mông với những cây đước”. Từ cuối thế kỷ 16, một số người Việt rời quê hương đến đây làm ruộng, đánh cá...

Cuối năm 1621, đầu 1622, vua Xiêm xua quân sang đánh Chân Lạp. Nhờ thuyền chiến, vũ khí và nhất là nhờ quân tình nguyện do Đàng Trong viện trợ, Chey Chêtthâ II đã đẩy lui hai đạo quân Xiêm. Năm sau, vua Xiêm cho quân tấn công Chân Lạp một lần nữa nhưng lại bị tổn thất nặng nề, phải rút về nước. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi sang kinh đô Udong một sứ bộ mang theo nhiều tặng phẩm để chúc mừng chiến thắng của Chân Lạp, đồng thời đảm bảo với Chey Chêtthâ II về sự ủng hộ và giúp đỡ của Đàng Trong cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước chùa tháp.

Sứ thần Đàng Trong cũng chuyển cho quốc vương Chân Lạp một quốc thư ngỏ ý muốn mượn Kas Krobei (Sài Gòn) và Prei Nokor (Chợ Lớn) để lập hai trạm thuế thương chính trong năm năm. Chey Chêtthâ II hỏi ý kiến các quan đại thần. Tất cả đều đồng ý. Nhà sử học người Pháp Henri Russier cho biết bà hoàng hậu Đàng Trong đã năn nỉ chồng chấp thuận đề nghị của cha mình.

Hướng về đất phương Nam

STT
HÚY DANH
CÔNG THỤY
THỜI GIAN TRỊ VÌ
1
Nguyễn Hoàng 
Chúa Tiên
1558-1613
2
Nguyễn Phúc Nguyên
Chúa Sãi
1613-1635
3
Nguyễn Phúc Lan   
Chúa Thượng
1635-1648
4
Nguyễn Phúc Tần  
Chúa Hiền
1648-1687
5
Nguyễn Phúc Thái 
Chúa Nghĩa
1687-1691
6
Nguyễn Phúc Chu 
Quốc chúa
1691-1725
7
Nguyễn Phúc Chú  
Ninh vương
1725-1738
8
Nguyễn Phúc Khoát 
Võ vương
1738-1765
9
Nguyễn Phúc Thuần 
Ðịnh vương 
1765-1775


Năm 1624, bà sinh hạ công chúa Ang Na Ksatri. Công chúa rất được vua yêu quý. Nhưng khi hạnh phúc đang tràn trề thì tiếc thay Chey Chêtthâ II băng hà. Cái chết của nhà vua đẩy Chân Lạp vào một giai đoạn mất ổn định chính trị nội bộ. Tuy nhiên, với đức độ và trí thông minh, bà thái hậu Đàng Trong đã vượt lên mọi tranh chấp phe phái, được các ông hoàng trẻ Chân Lạp kính trọng và nghe theo.

Bà giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị của vương quốc. Hoàng tử Cau Bana Cand (sử Việt gọi là Nặc Ông Chân) - một người con của Chey Chêtthâ II với bà vợ người Lào - cưới vợ người Mã Lai theo đạo Hồi nên bỏ đạo Phật để theo đạo của vợ. Năm 1642, Cand dựa vào một nhóm người Mã Lai và Chiêm Thành theo đạo Hồi nổi loạn, giết vua Ang Nan (rể của bà thái hậu Đàng Trong) để cướp ngôi. Cand còn giết nhiều người khác (trong đó có chú ruột là nhiếp chính vương Utey) một cách dã man.

Hai người con của Utey là Ang Sur và Ang Tan (sử Việt gọi là Nặc Ông Xô và Nặc Ông Tân) cầm đầu một cuộc nổi dậy để lật đổ Cand và báo thù cho cha. Cuộc nổi dậy không thành công, Sur và Tan bí mật đến gặp bà thái hậu Đàng Trong, nhờ bà xin chúa Nguyễn giúp đỡ. Bà đồng ý, viết thư cho chúa Nguyễn Phúc Tần (cháu gọi bà bằng cô).

Đáp ứng yêu cầu của hai hoàng thân Chân Lạp, chúa Nguyễn gửi 3.000 quân sang bắt Cand đưa về Quảng Bình. Cand xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn trả tự do cho Cand. Trên đường về Udong, Cand nhuốm bệnh và qua đời ở Bat Anhchien ven sông Vàm Cỏ Tây. Ang Sur và Ang Tan trở thành chính vương và phó vương của Chân Lạp. Nhớ ơn bà thái hậu và chúa Nguyễn, hai ông luôn tạo điều kiện thuận lợi để di dân người Việt làm ăn trên đất nước mình, số lượng người Việt vào đây mới bắt đầu tăng lên đáng kể.

Theo GS Nguyễn Đình Đầu trong Địa chí văn hóa TP.HCM (do GS Trần Văn Giàu chủ biên), cho đến cuối thế kỷ 17, đã có hơn 4 vạn hộ dân Việt sống trên một địa bàn rộng nghìn dặm ở lưu vực sông Đồng Nai. Người Việt trở thành thành phần dân cư đa số tại đó.

Tên người chưa được sử ghi

Tất cả những gì chúng ta biết được về bà - mà người Chân Lạp gọi là Ang Cuv - là nhờ Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp và các công trình nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài. Vì một lý do nào đó, các sử gia triều Nguyễn hoàn toàn không nhắc đến cuộc hôn nhân Việt - Chân Lạp này (cũng như các cuộc hôn nhân Việt - Nhật Bản và Việt - Chiêm Thành diễn ra trong thời kỳ đó). Vì lẽ đó cho đến nay chúng ta không biết bà tên gì.

Trước đây, có người cho rằng tên bà là Ngọc Vạn. Nhiều người cũng đã chấp nhận như vậy. Thật ra cái tên đó chẳng qua là do phỏng đoán, chứ không căn cứ vào một tài liệu gốc nào.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, chúa Sãi có bốn con gái. Hai công nữ thứ nhất và thứ tư là Ngọc Liên (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh, tức Nguyễn Hữu Vĩnh, trấn thủ dinh Trấn Biên) và Ngọc Đĩnh (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Kiều, tức Nguyễn Cửu Kiều, trấn thủ dinh Quảng Bình). Đối với hai công nữ thứ hai và thứ ba là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi “khuyết truyện” (không có tiểu sử). Như vậy, trong hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, ai là hoàng hậu xứ chùa tháp, ai là phu nhân của thương gia Nhật Bản?

Tên bà vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Theo Tuoitre - TS. Phan Văn Hoàng
__________________
Người ta gọi chúa Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa mở cõi. Ông cho mở rộng thương cảng Hội An trở thành thương cảng chính trên toàn khu vực tương đương Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay.
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Nhà tài trợ

 
TOP