[Xem phong thủy] Là một cuộc đất cát tường về mặt phong thủy, Kim Long được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong suốt nửa thế kỷ. Là một cuộc đất “sơn thủy hữu tình”, Kim Long còn nổi tiếng có nhiều mỹ nhân, mà đến nay hãy còn để lại câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều – Trẫm thương trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”…50.
Quốc sử quán triều Nguyễn chép: vào năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan (tức chúa Thượng) thấy đất Kim Long là nơi “có địa hình tốt đẹp” nên đã dời dinh đến đó và Kim Long trở thành thủ phủ đầu tiên đóng bên bờ tả ngạn sông Hương. Nhìn qua bên kia hữu ngạn thấy đồi Long Thọ hiện lên với thế núi đặc thù “khóa giữ thượng lưu sông Hương và được các nhà địa lý gọi là kiểu đồi “thiên quan địa trục” – nghĩa là trổ cửa lên trời và là trục xoay của các vùng đất (Đại Nam nhất thống chí).
Địa thế phong thủy ấy cũng được học giả Cadière ghi nhận khi ông đứng từ kinh thành Huế nhìn xa xa tới đường chân trời phía nguồn sông Hương thấy những ngọn đồi và đỉnh núi dãy này nối tiếp dãy kia trùng điệp vắt ngang tầm mắt, màu sắc thay đổi theo từng ngày nắng, ngày mưa, khi thì nâu nhạt, lúc xanh thẫm, tựa hồ bức tranh bốn mùa sinh động.
Giữa bức tranh cẩm tú mênh mang ấy là một con sông chạy đến gần đất Huế, trải mình ra giữa hai ngọn đồi: “một bên là ngọn đồi Thiên Mụ (Hà Khê) với tháp Phước Duyên, bảy tầng ngất ngưỡng như chọc thủng trời xanh để đưa xuống những nguồn phúc lộc, và bên kia hữu ngạn là mô đất Long Thọ – trường sinh bất tử. Mô đất này cũng có những đặc tính nhiệm màu kỳ lạ mà sau này các thầy địa lý của triều đình Việt Nam cũng công nhận. Vì nó án ngữ nguồn chảy của sông Hương, tưởng như nó đang gối đầu lên dòng nước và nghiêng nghiêng đối diện với đồi Thiên Mụ tạo thành một thế phong thủy gọi là cánh cửa thông thiên và trục xe địa phủ” (Đỗ Trinh Huệ dịch).
Sơ đồ thủ phủ Kim Long, Huế
Như vậy, đồi Long Thọ (hữu ngạn) cùng đồi Hà Khê (tả ngạn) nhô lên khỏi đất bằng để ôm lấy dòng nước sông Hương đang êm đềm đổ xuống, tạo nên cảnh trí thơ mộng cho các vùng đất hai bờ, trong đó có Kim Long. Xét sách địa lý gia truyền của cụ Tả Ao, thì: có núi mà không có nước sẽ thành cảnh “cô sơn” – ngược lại có nước mà không có núi sẽ thành “cô thủy” (Hữu sơn vô thủy, vị chi cô sơn – Hữu thủy vô sơn, vị chi cô thủy).
Tốt nhất vừa có núi vừa có sông nước liền nhau để núi nghênh thủy (sơn cố thủy) và thủy in bóng núi (thủy cố sơn) mới thật là đất tốt (dung kết chi địa dã). Vậy Kim Long có đủ yếu tố “sơn thủy” như cụ Tả Ao nêu. Mà thủy ở đây với thế “tĩnh” và “tụ” nên sinh ra người trong vùng thanh lịch, giàu có (thủy tĩnh nhân tú - thủy tụ nhân phú) khác với chỗ nước xoáy xô bồ ào ạt, hoặc nước chảy rì rào như tiếng khóc tỉ tê suốt ngày sẽ sinh ra kẻ bần tiện, đói nghèo (thủy trọc nhân mê – thủy khứ nhân bần).
Thật vậy, cuộc đất Kim Long từ khi trở thành thủ phủ. Sau này, khi thủ phủ dời về Phú Xuân (cũng nằm bên tả ngạn sông Hương), Kim Long vẫn để lại các tên đất gợi nhớ thời lập phủ như: Thượng Dinh, Trung Dinh, Hạ Dinh, Cồn Kho, Mô Súng, vườn Nghênh Hôn … Và vua Thành Thái đã đến đó góp một trang “tình sử”.
Mối tình của vua Thành Thái.
Vua Thành Thái là một ông vua yêu nước bị thực dân Pháp quản thúc ở Vũng Tàu (từ 1907), đày sang đảo Réunion 31 năm (từ 1916 – 1947). Ngày còn tại vị, vào những năm 1889-1907, nhà vua rất gần gũi dân chúng, hay cải dạng thành thường dân để rời hoàng cung ra ngoài thành.
Có lần dạo qua vùng Kim Long, vua bước xuống bến sông gọi đò về, chợt thấy cô lái đò là một cô gái má hồng như màu cánh sen, dáng bộ tha thướt dẫu ở chốn bình dân mà xem có bề quý phái, ngay lập tức “tiếng sét” vô thanh đã đánh trúng trái tim của hoàng đế. Rồi trong bộ dạng của một “thanh niên bình thường”, vua Thành Thái đến bên thiếu nữ hỏi: “O kia, có ưng làm quý phi không?”.
Sau giây phút thẹn thùng và ngỡ ngàng trước câu hỏi lạ, cô bỗng mạnh dạn trả lời : “Ưng !” (đồng ý). Cô ngỡ trả lời bâng quơ như thế cho có, cho xong, ai ngờ chàng “thanh niên” liền đến đầu mũi thuyền giành lấy mái chèo nói: “Hãy để trẫm chèo đưa quý phi đi”. Rồi vua chèo đò xuôi dòng nước đến đậu trước Phu Văn Lâu, lên bến Nghinh Lương, đưa cô vào hoàng cung, đến vườn thượng uyển, khiến cô bàng hoàng như đang “mộng dưới hoa”…
Chân dung vua Thành Thái
Cạnh đó những cuộc tình dân gian ở Kim Long cũng đã đi vào ca dao với bao lời da diết:“Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn. Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long. Sương sa gió thổi lạnh lùng. Sóng xao trăng lặn, chạnh lòng nhớ thương”. Hoặc: “Kim Luông dãy dọc tòa ngang. Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình. Đôi lứa mình lỡ hẹn ba sinh. Có mần răng đi nữa cũng hãy trọn tình với nhau”. Mấy tiếng “dãy dọc tòa ngang” nhắc nhớ đến vùng đất xưa lúc Kim Long là thủ phủ của chúa Nguyễn.
Alexandre De Rhodes với thủ phủ Kim Long.
Địa thế phong thủy cùng tài năng chúa Nguyễn đã đưa Kim Long thành trung tâm hành chính, quân sự của đất Nam Hà một thời. Để tìm hiểu điều ấy, thiết tưởng chúng ta hãy xem qua những ghi chép khách quan của người châu Âu đương thời từng đến đó. Chúng tôi muốn nhắc đến học giả, nhà truyền giáo dòng tên (Jésuite): Alexandre de Rhodes – đã có mặt tại Kim Long khoảng những năm 1640 – 1645 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan.
Ông là tác giả cuốn Từ điển Việt – Bồ – La, biên soạn sau ngày đến Kim Long, chứa đựng nhiều sắc thái văn hóa của người Việt thế kỷ 17. Chính ở Kim Long, Alexandre de Rhodes yết kiến chúa Nguyễn Phúc Lan và tận mắt nhìn thấy sinh hoạt trong phủ chúa cũng như ngoài dân chúng và kể lại trong một cuốn sách xuất bản tại châu Âu.
Trong tác phẩm đó, ông mô tả quang cảnh Kim Long như một “thành phố lớn” (cette grande ville) với đông đúc dân cư, nhà cửa, phố xá, chợ búa, bến nước và buổi lễ đón tiếp những người Tây Ban Nha, những nữ tu và ông vào buổi chiều tháng 2.1645 bên bờ sông Hương: “Chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan) và phu nhân trong trang phục quý phái, lộng lẫy cùng đông đảo các vị quan lớn trong phủ Kim Long có mặt tại buổi đón tiếp.
Có ngót 4000 lính chia làm 4 đội sắp hàng chỉnh tề, khéo léo, không che khuất chỗ chúa Thượng và phu nhân đang đứng. Những đội cận vệ đứng sát để bảo vệ chúa, ai nấy đều cầm trong tay một thanh đao có gắn chuôi bằng bạc và mặc áo bằng nhung màu tím có thắt đai vàng ngang bụng, đứng nghiêm chỉnh và im phăng phắc. Khi đoàn Tây Ban Nha đến, chúa cho phép hết thảy binh lính của mình ngồi xuống đất, xếp bằng lại để buổi lễ bắt đầu. Chúa sai mang đến cho mỗi người một phần trà đựng trên các khay sơn son thếp vàng bóng loáng”.
Chúa Thượng cũng mời Alexandre de Rhodes và những người trong đoàn bữa tiệc theo cung cách cung đình với rất nhiều món ăn sang trọng. Yến tiệc được bày ra với các vũ nữ Kim Long vây quanh biểu diễn các điệu múa điêu luyện khiến những người Tây Ban Nha có mặt phải trầm trồ khen ngợi. Mãi đến khi trời sập tối, chúa ra lệnh thắp đuốc sáng rực khắp dinh. Các dịp tiếp theo, chúa Thượng đã cho diễu binh trên bộ với khoảng 6000 binh lính và dân chúng tham gia đi rợp cả “thành phố lớn” Kim Long. Cùng lúc dưới nước chúa cho tập trận với 20 chiến thuyền lướt như bay trên mặt sông Hương.
Một ngôi nhà cổ ở Kim Long, Huế
Sau này vị trí của thủ phủ Kim Long mà Alexandre de Rhodes ghi lại được nhiều nhà nghiên cứu định vị, chẳng hạn: “có lẽ thủ phủ của chúa Nguyễn lúc ấy tọa lạc tại vùng đất từ chợ Kim Long lên đến gần làng Xuân Hòa (…) đã được sông ngòi bao bọc cả 4 bề: trước mặt là sông Hương, bên trái là sông Kim Long, bên phải và phía sau là sông Bạch Yến” (Phan Thuận An).
Một tác giả khác, nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải, trong tài liệu về “Thủ phủ Kim Long và diện mạo của Huế trước 1687” in trong tuyển tập Cố đô Huế xưa và nay (NXB Thuận Hóa 2005) nhắc đến 4 lần chúa Nguyễn dời dựng, thay đổi vị trí thủ phủ trước khi chuyển đến Kim Long,đó là Ái Tử (1558 – 1570), Trà Bát (1570 – 1600), Dinh Cát (1600 – 1626), Phước Yên (1626 – 1636) và nhận định:
“Địa danh Kim Long mà chúng tôi nói ở đây là làng Kim Long (chứ không phải phường Kim Long) có diện tích tổng cộng chừng 130ha, nằm ở tả ngạn sông Hương, một vùng đất trù phú màu mỡ, vị trí thuận lợi, cảnh sắc trữ tình. Căn cứ vào các nguồn tư liệu, nhất là gia phả của các dòng họ lâu đời ở Kim Long, thì làng đã được thành lập cách đây trên dưới 400 năm và là kết quả của việc mở rộng và tách ra từ làng Hà Khê (nơi có chùa Thiên Mụ và long mạch nhà Nguyễn) (…) Trong địa phận của làng Kim Long, ngoài sông Hương ở phía Nam còn có sông Kim Long (tức sông lấp) ngăn cách làng Phú Xuân và Vạn Xuân, và sông Bạch Yến chảy ngang qua giữa làng. Cả hai con sông này đều là các chi lưu của sông Hương, chúng vừa tạo nên vẻ đẹp trữ tình của vùng đất này, vừa tạo nên địa thế rất “đắc lợi” của Kim Long là “tứ thủy triều quy”…
Nghĩa là bốn dòng nước tụ về dưới chân những trái núi quanh cuộc đất Kim Long phù hợp với điều cụ Tả Ao giảng giải về thế sơn thủy: sơn là chồng, thủy là vợ, khi chồng xướng xuất việc gì thì vợ sẽ phụ theo (sơn vi phu, thủy vi phụ, phu xướng phụ tùy), cùng nghĩa ấy: núi là “trống”,nước là “mái” – núi chạy đến đâu thì nước theo đến đó (sơn vi hùng, thủy vi thư – hệ sơn tắc thủy tòng). Mà sơn mạch chạy từ dãy Trường Sơn hùng vĩ tách nhánh ra đến đất Kim Long được dòng sông Hương, sông Bạch Yến theo về “hợp hôn” – sinh ra một vùng nước xanh thơ mộng – thủ phủ của Nam Hà, cũng là thủ phủ của tình yêu một thuở.
S.T Nhà phong thủy
Nguồn: Motthegioi - Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Gia Tiến, Tư liệu
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !