Xem phong thủy - Đã rất nhiều lần tôi đọc được câu hỏi: Đất Lệ Thủy thế nào mà sinh ra những con người kiệt xuất đến vậy? Đứng ở góc độ “Phong thủy”, hôm nay tôi muốn nêu một vấn đề về địa linh, nhân kiệt của Lệ Thủy quê mình. Trước để hầu chuyện đồng hương, sau là mong muốn mọi người quan tâm trao đổi, hoặc kể những câu chuyện quê mình ra để thưởng thức.
Lệ Thủy là một huyện thuộc tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Phía nam giáp huyện Vĩnh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị), phía bắc giáp huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), phía tây giáp tỉnh Khammouan của Lào, phía đông giáp Biển Đông. Diện tích tự nhiên 142.052 ha, dân số năm 1998 là 140.804 người Đây là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Lệ Thủy nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống.
Phong thủy dương trạch và âm trạch
Nói đến “Phong Thủy” thì cả một rừng khái niệm trong sách thánh hiền, không nói hết được. Ở đây tôi chỉ lẩy ra hai khái niệm trong Địa lợi là “Dương trạch” và “Âm trạch”. Dương trạch nói nôm na là chọn đất cho người sống, âm trạch là chọn đất cho người chết. Các cụ xưa có thuyết về long mạch. Nếu làm nhà, chôn cất đúng đắc địa thì sinh nhân kiệt. Lệ Thủy quê ta đã có những con dân nức tiếng gần, xa. Trước thì có Dương Văn An, người làng Tuy Lộc, người viết “Ô châu cận lục”. Gần thì có Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm. Cả ba vị ấy đều sinh ra ở Tổng Đại Phong (xưa Tổng Đại Phong bao gồm Đại Phong, Tuy Lộc, An Xá và làng Mỹ Phước).. Có truyền thuyết thời nhà Mạc, Đại Phong có đến 3 trong số 4 Quận công nên Mạc Đăng Dung cho thầy địa lý về xem thế đất mà yểm đi. Vì vậy mà có hói nhà Mạc (hói Đại Phong bây giờ) được đào để cắt long mạch. Có giai thoại về “Bí mật ngôi mộ dòng họ Ngô Đình”, ba lần bị chạm long mạch làm lao đao, nghiêng ngả. Có sự thật lịch sử cả 3 nhân vật nổi tiếng (Ngô Đình Diệm, Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hữu Cảnh) đều chọn đất An Mã làm âm trạch cho tổ tiên hoặc của mình. Có sự thật lịch sử là cả hai làng Đại Phong và Tuy Lộc đều chọn Mũi Viết chợ Hôm làm đình làng. Chưa kể còn chùa Đại Phúc cũng chen chân ở đó.
Núi An Mã
Bạn hãy đứng xa ra một chút mà quan sát thì Tổng Đại Phong xưa được bao bọc trong bốn bề là sông. Phía trước là Kiến Giang, phía sau là rào Mỹ Phước, Bên tả là đoạn sông Bình Giang xưa nối từ Mũi Viết ra Hà Thanh, bên hữu là đoạn sông Kiến Giang nối từ An Lạc đến hói Sao Vàng. Bốn con sông ấy đóng khung hai xã (Phong, Lộc) lại vuông vức như cái ấn triện. Đặc biệt, từ dãy Trường Sơn có 5 con hói nhỏ chảy xuống nhập vào Kiến Giang. Đó là hói Xuân Lai (chảy từ Thạch Bàn xuống), hói Kỳ Cùng (chảy từ Văn Xá xuống), hói Cừa (chảy từ Phú Hòa xuống), hói Ngay (chảy từ Phú Kỳ xuống) và hói Phú Thọ (chảy từ Mỹ Đức xuống). Về Thủy pháp mà nói thì đó là thế Ngũ long giao giới. Khí tụ về đất ấy. Nếu bạn ngửa bàn tay phải ra mà hình dung thì tổng Đại Phong nằm lọt giưa lòng bàn tay. Năm con hói chảy từ Trường Sơn về như năm ngón tay. Đình làng Đại Phong và Đình làng Tuy Lộc ở giữa minh đường của đắc địa. Vậy nên mới sinh ra nhân kiệt nhiều đời.
Phong thủy hình thế
Theo thuật phong thủy thì huyệt đạo (âm trạch) phải ở nơi phía sau có “Huyền vũ”, phía trước có “Chu tước”, bên tả có “Thanh long”, bên hữu có “Bạch hổ”. Đất An Mã hội đủ các yếu tố đắc địa ấy. Huyền vũ (con rùa đen) làm điểm tựa phía sau đấy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp kéo lên đến tận biên giới Việt Lào. Phía tả có Thanh long (con rồng xanh) là dãy núi An Mã từ Trường Sơn đổ về làm tay ngai. xưa núi này chỉ là một đồi cỏ gianh xanh mướt, không có cây to. Bên hữu có Bạch hổ (con hổ trắng) là con sông Rào Nậy uốn khúc làm tay ngai. Phía trước có là con sông Rào Con uốn khúc như rồng lượn. Hai con sông Rào Nậy và Rào Con đổ về giao lưu ở Trốc Vực thì bị núi đá chặn, nước cuộn vòng lại, dung dằng như không muốn đi. Minh đường giữa đất ấy có mộ chí dòng họ Ngô, họ Võ, họ Hoàng ( Hối Khanh), họ Nguyễn (Hữu Cảnh). Ba ngôi mộ của Ông Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Đình Dinh chỉ cách nhau 200m, chếch bên phải một chút là khu mộ của hai dòng họ nổi tiếng Trần và Võ. Có người nghi vấn rằng, trong tấu thư về địa lý của Cao Biền gửi vua Trung Tôn nhà Đường nói về các huyệt đạo của Đại Việt không có huyệt đạo nào ở Lệ Thủy. Điều này được giải thích rõ rằng, thời Cao Biền làm tiết độ sứ cai quản Giao Châu (Đại Việt sau này) cương thổ của Đại Việt chưa bao gồm Châu Địa Lý (Lệ Thủy). Trên đỉnh núi An Sinh (Trốc Vực) xư dân Quy Hậu có lập đền thờ Cao Biền, nay mất dấu tích, song trong Ô Châu canj lục vẫn còn ghi.
Sông Kiến Giang
Cụ Nguyễn Hữu Cảnh mất tận Sài Gòn, Gia Định nhưng linh cữu được đưa về đây chôn. Cụ Hoàng Hối Khanh, đất tổ ở Thanh Hóa, mất ở cửa Đan Thai (cửa Hội, Nghệ An) nhưng vẫn đưa linh cửu về đây an nghỉ. Xưa có giai thoại kể rằng: Ông nội ông Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Dinh (gốc ở huyện Quảng Ninh) nghèo lắm, vợ chết sớm, tìm đến làng Đại Phong với một đứa con trai mới 6 tuổi, được làng cho làm sai dịch ở đình làng. Mỗi khi có việc làng thì đun trà, rửa chén… Chẳng may do bệnh tật, đói rét mà chết. Làng cho trai đinh bó chiếu, chèo thuyền đưa lên núi chôn. Đến bến Kéc (chân núi An Mã) thì trời sập tối. Lúc trai đinh khiêng xác lên một đoạn thì nghe tiếng hổ gầm, sợ quá, khoét vội một chỗ lấp tạm, định bụng sáng mai lên chôn lại. Hôm sau chèo thuyền lên thì mối đã đùn thành gò lớn. Các bô lão cho là thiên táng nên để vậy. Còn đứa con trai 6 tuổi, mồ côi cha được một cố đạo người Pháp ở làng Mỹ Phước nhận nuôi. Đứa con trai đó sau này là Thượng Thư trong triều Nguyễn, ông Ngô Đình Khả, thân sinh ông Ngô Đình Diệm.
Ở Lệ Thủy còn có giai thoại về hói Đại Phong. Xưa gọi là hói Đợi, hói nhà Mạc vì được đào vào thời nhà Mạc, với ý đồ yểm long mạch. Chuyện kể rằng, Dưới triều Mạc có bốn Quận công thì có ba sinh ra ở Đai Phong. Vậy nên Mạc Đăng Dung cho thầy địa về xem xét và cho dào con hói để cắt long mạch. Con hói này có mấy điều lạ là: Thứ nhất, theo như truyền thuyết kể lại, khi đào lên nước hói đỏ như máu, nhiều năm lũ lụt như vậy nhưng cứ đến muà hè nước lại đỏ. Thứ hai, hói thì nhỏ nhưng cứ mỗi lần có mưa thì nước hói bên đục, bên trong (bên Đợi đục, bên Tuy trong). Thứ ba, hói có hai bờ nhưng bờ phía Đợi thì bồi còn bên Tuy thì lở. Song, nếu xét về phong thủy thì dân tổng Đại Phong phải biết ơn về con hói Đợi, biết ơn nhà Mạc mới phải. Bỡi vì, như đã nói ở trên, thế đất Đại Phúc Lộc vuông vức như cái triện, nhưng đồng thời nó cũng như chữ "Khẩu", chữ "Tù" vậy. Do đó, nhát cắt của hói Đại Phong đã chia đôi nó thành chữ "Nhật". Nhật là mặt trời, là minh (sáng) nên đời sau mới lại sinh Đế, đó là Ngô Đình Diệm. Sinh Vương, đó là Võ Nguyên Giáp, là hồng y Nguyễn Văn Thuận. Yểm đất kiểu gì mà chẳng những là quận công mà đất này còn sinh Đế.
Năm tháng qua đi, tiếc thay nguồn mạch địa linh bị ứ trệ do con người ngăn mặn, mở rộng canh tác, đắp đập Mỹ Trung nên nước sông Kiến Giang như ngừng chảy. Lại thêm con người lấy sông làm nơi xả rác, rơm rạ, trấu tro làm ô uế, có năm nước thành màu nâu. Phía thượng nguồn ngày ngày thuyền lấy cát quậy lên đục ngầu. Hói Quy Hậu mỗi mùa cày, cấy nước ruộng chảy ra nhuốm vàng sông Kiến Giang!!!
Theo langdaiphong và Wikipedia tiếng Việt
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !